Phát biểu tại hội thảo trực tuyến “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới”, bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã cung cấp những thông tin về thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam và cơ hội cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. “Dù đối mặt với nhiều thách thức bởi dịch COVID-19, doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số vẫn có cơ hội riêng”, bà Hà nhấn mạnh.
Hội thảo trực tuyến “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới” do dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) tổ chức chiều 22/3.
Cũng theo bà Lê Thị Hà, thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Chứng minh cho bức tranh lạc quan từ thương mại điện tử, bà Hà dẫn ra điều tra với 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, so với trước thời điểm đó (năm 2019) là 10,3%.
Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh Khu vực Hà Nội đã chia sẻ về những bài học đúc kết cho doanh nghiệp mới tiếp cận và đang tăng trưởng trên sàn thương mại điện tử trong mô hình kinh doanh. Thay vì tâm lý e ngại, theo bà Thư, doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn, tận dụng tiềm năng doanh nghiệp và tối ưu hoá từ lợi thế mỗi sàn.
Với doanh nghiệp mới lên sàn cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn, tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng… Bà Thư cho rằng, sự hỗ trợ từ các sàn trong việc giúp doanh nghiệp gây dựng tiếng vang và phát triển.
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam đã thông tin về điều kiện tham gia và kỹ năng kinh doanh khi tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Ông Trịnh Khắc Toàn bày tỏ, doanh nghiệp cần có nhân sự chuyên trách, có chiến lược sản phẩm và thương hiệu, hiểu rõ quy định của thị trường mục tiêu, nhất là khi đưa hàng ra các thị trường quốc tế.
So với năm 2020, năm 2021 số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18%. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 500.000 USD trên Amazon tăng 53%. Số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%…
Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ về nhận diện các rủi ro pháp lý trong các giao dịch điện tử – hình thức giao dịch phổ biến khi kinh doanh thương mại điện tử và biện pháp phòng tránh, được ông đúc kết qua một số vụ tranh chấp thương mại.
Để tránh rủi ro, ông Lễ cho rằng, khi giao dịch điện tử, đầu tiên phải điều tra đối tác cụ thể, xác định rõ phương thức lưu giữ thông tin. Thực tế nhiều người dùng zalo, viber, lẫn lộn việc chung riêng, đến khi có tranh chấp, không phân tách được. Khi được yêu cầu hồ sơ để giải quyết tranh chấp, không lưu lại được các bản các bên đã sử dụng.
Thực tế, có những bản trên điện tử có thể tự động xóa khi đối tượng thay đổi. Quan trọng, các doanh nghiệp làm sao phải lưu giữ được các thông tin, văn bản để khi tranh chấp có thể kiểm tra. Thư điện tử cũng được coi là văn bản và có thể sao lưu những email, đoạn chat ra nhiều nơi. Khi có tranh chấp có thể mang máy tính đến để lấy được văn bản.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), Tổng Giám đốc Ngân hàng Doanh nghiệp đã đưa ra những đánh giá các hình thức thanh toán quốc tế và phòng tránh rủi ro khi sử dụng mỗi hình thức. Đồng thời, thông tin về các cơ chế tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp khi triển khai kinh doanh trên sàn thương mại điện tử…
Bài viết Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới được B2bmart.vn sưu tầm được trên trang idea.gov.vn. Hy vọng những thông tin trên sẽ thực sự hữu ích với mọi người.